Dù phải tạm dừng và điều chỉnh nhiều kế hoạch, bị giảm sút doanh thu, nhưng bên cạnh các giải pháp ứng phó, doanh nghiệp ngành kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) vẫn đang âm thầm chuẩn bị cho những chiến lược dài hơi, bởi cuộc chiến giành thị phần trong ngành này chưa bao giờ hạ nhiệt.
Điểm danh những đối thủ “nặng ký”
Gần 12h trưa ngày cuối tuần, khu vực ẩm thực trong trung tâm thương mại Artemis (Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội) khá vắng. Bên trong các nhà hàng, chỉ có vài bàn khách đang được phục vụ. Tại GoGi House - nhà hàng thịt nướng Hàn Quốc, không khí sôi động hơn đôi chút. Bà Nguyễn Thu Hà, Quản lý Nhà hàng cho biết, khách hàng sụt giảm nhiều so với trước Tết. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nhà hàng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dẫu vậy, vài ngày gần đây, lượng khách cũng có cải thiện.
GoGi House là một trong những thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate). Được thành lập từ năm 2005, tới nay, Golden Gate đang sở hữu gần 300 cửa hàng tại hàng chục tỉnh, thành phố lớn, gồm nhiều thương hiệu nổi tiếng như Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Ashima, GoGi House, Vuvuzela...; chiếm giữ thị phần áp đảo trong thị trường F&B Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đầu tư “khủng” từ Standard Chartered và Mekong Capital trước đó chính là đòn bẩy giúp Golden Gate “lột xác” ngoạn mục và trở thành chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam. Mekong Capital không chỉ hỗ trợ mạnh mẽ cho Golden Gate về vốn, mà còn kết nối mối quan hệ với các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực ẩm thực, giúp ban điều hành Golden Gate tham khảo các mô hình kinh doanh tại Hồng Kông, Tokyo, Bangkok, Thượng Hải… để xây dựng chiến lược phát triển chuỗi.
Một trong những chiến lược quan trọng tạo nên thành công cho Golden Gate phải kể đến là việc liên tục tiên phong tạo ra những trào lưu ẩm thực mới với từng phân khúc thị trường riêng biệt. Các mô hình mới như Cowboy Jack’s (quán ăn phong cách Mỹ), Osaka Ohsho (phong cách Nhật Bản)… của Golden Gate đã tạo nên những “cơn sốt” trong giới trẻ, thậm chí trở thành những điểm “check-in” yêu thích. Cùng với món ăn ngon, công ty này đặc biệt chú trọng xây dựng nhà hàng có không gian đẹp nhằm mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm.
Ngành F&B tại Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng, doanh thu toàn thị trường vào khoảng 200 tỷ USD trong năm 2019 (theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista) và con số này có thể tăng gấp đôi, đạt 408 tỷ USD vào năm 2023. Hấp dẫn như vậy, nên thị trường có sự góp mặt của nhiều tên tuổi, đi cùng với sự cạnh tranh gay gắt, cũng là điều dễ hiểu.
Đối thủ lớn cùng phân khúc của Golden Gate là Cổ phần CP Đầu tư thương mại quản trị Mặt trời đỏ (Redsun), hiện cũng sở hữu hơn 200 cửa hàng tại 26 tỉnh, thành phố. Theo số liệu từ Công ty CP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu năm 2018 của công ty mẹ Redsun đạt 623 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017, nhưng hiệu quả hoạt động lại không cao, khi lợi nhuận trước thuế thu về cùng năm chỉ vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng.
Tháng 10/2019, chuỗi nhà hàng Món Huế của Công ty Huy Việt Nam chính thức đóng cửa sau 12 năm phát triển cũng đã gây xôn xao dư luận. Chủ sở hữu chuỗi Món Huế bị tố nợ nhà cung cấp với tổng số tiền không nhỏ. Trước đó, Món Huế từng được xem là thương hiệu F&B thành công của nhà hàng món Việt, còn Huy Việt Nam cũng là tên tuổi lớn trong ngành F&B, sở hữu nhiều thương hiệu như Phở Ông Hùng, Great bánh mì & cafe, Cơm thố cháy, Phở 99... Tuy nhiên, những sai lầm trong chiến lược kinh doanh đã khiến doanh thu của Công ty bị giảm sút nghiêm trọng, hụt hơi trong cuộc chiến giành thị phần.
Một xu hướng khác trên thị trường F&B hiện nay là kinh doanh các thương hiệu nhượng quyền, điển hình là Công ty Dịch vụ thực phẩm và giải khát Việt Nam (thuộc Tập đoàn IPP) với các thương hiệu như Burger King, Domino’s Pizza hay Popeyes… Các chuỗi này cũng đang nỗ lực chinh phục khẩu vị người Việt.
Kịch bản giảm “rung lắc”
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, giai đoạn 2014 - 2019, ngành F&B Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 18%/năm. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, khi kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân được nâng lên, đặc biệt biệt là tầng lớp trung lưu trong xã hội ngày càng tăng.
Nielsen tính toán, năm 2022, Việt Nam có khoảng 33 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu thành thị và sẽ tăng lên 95 triệu người vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu bao gồm các hộ gia đình có mức chi phí tiêu dùng trên 15 USD/người/ngày, trong đó, 30 - 40% thu nhập được chi tiêu vào thức uống và thực phẩm.
Từng tư vấn cho nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành F&B, bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư trang thiết bị Ánh Dương đánh giá, với tiềm năng lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, nên thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu.
Để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp không ngại rót tiền đầu tư cho thương hiệu, sản phẩm, chất lượng phục vụ… và đặc biệt là mặt bằng đẹp. Quan sát sẽ thấy, các đối thủ trong cùng phân khúc luôn “bám đuổi” nhau rất sát trong cuộc chạy đua tăng độ phủ.
Trong các trung tâm thương mại hay trên các mặt phố lớn, hễ thấy thương hiệu của Golden Gate, là sẽ có các nhà hàng của Redsun, nằm cách đó không xa. Tại khu Trung Hòa (Hà Nội), tọa lạc tại ba trên bốn góc đường là những nhà hàng đồ nướng Hàn Quốc, trong đó, hai nhà hàng quy mô nhất của GoGi House và King BBQ nằm đối diện nhau, cũng là đại diện cho hai đối thủ lớn nhất trong phân khúc kinh doanh này.
Cuộc chiến giành thị phần trong ngành F&B chưa bao giờ hạ nhiệt. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 1/2020, dịch Covid-19 xảy ra đã gây nên một “cơn chấn động” lớn. Từ Golden Gate, Redsun, đến các chuỗi nhỏ hơn như Thái Koh Yam, hay một nhánh khác trên thị trường F&B là các chuỗi cà phê như Highland, Starbucks, The Coffee House… đều chịu ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc vận hành Golden Gate cho biết, Covid-19 đang tác động trực tiếp đến tất cả các ngành, đặc biệt là ngành dịch vụ ăn uống. “Doanh thu của các chuỗi nhà hàng có nhiều cửa hàng như GoGi House và Kichi-Kichi giảm mạnh. Về nguồn nguyên liệu, Công ty có bị ảnh hưởng, nhưng không nhiều, vì chúng tôi đã đa dạng thị trường nhập khẩu từ trước”, ông Khánh chia sẻ.
Chủ động ứng phó với tình hình, ông Khánh cho biết, Golden Gate đã lập Ủy ban Phòng chống dịch Covid-19 của doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ lên kế hoạch kinh doanh, theo sát những thông tin về dịch bệnh. Bên cạnh đó, Golden Gate thực hiện 9 nguyên tắc phòng chống dịch, yêu cầu 100% nhân viên khi phục vụ khách hàng phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; liên tục vệ sinh, sát khuẩn trong khu vực nhà hàng…
Đặc biệt, một trong những kế hoạch giúp đảm bảo doanh thu trong mùa dịch mà Golden Gate đã và đang thực hiện là chương trình giao hàng tại nhà, đảm bảo những tiêu chí như tại nhà hàng. “Đây cũng là cơ hội để Golden Gate mở rộng khai thác phục vụ những khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại nhà. Thời điểm này, chúng tôi đang dừng kế hoạch mở rộng nhà hàng và có thể tiến hành trở lại sau 2 đến 3 tháng tới”, ông Khánh nói.
Giống như Golden Gate, kế hoạch mở rộng chuỗi Thái Koh Yam cũng đang tạm thời “án binh bất động”, nhưng bà Nguyễn Hà Linh, CEO chuỗi Thái Koh Yam tỏ ra khá lạc quan. “Dịch bệnh cũng mang đến cơ hội. Lượng khách giảm, Công ty có thêm thời gian để đào tạo nhân viên, nâng cấp chất lượng dịch vụ… Đặc biệt, dịp này, có thể chúng tôi sẽ tìm kiếm được những mặt bằng đẹp mà trước đây không thuê được để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng chuỗi sau khi hết dịch”, bà Linh chia sẻ.
Một nhánh của thị trường F&B là đồ uống, chuỗi cà phê cũng đang “rung lắc” bởi Covid-19. Ông Võ Duy Phú, Giám đốc thương mại và marketing The Coffee House - một trong những chuỗi cà phê lớn nhất tại Việt Nam hiện nay chia sẻ, từ nhiều tháng trước, Công ty đã chuẩn bị khá kỹ cho kế hoạch mở thêm 100 cửa hàng trên toàn quốc trong năm 2020, nhưng đến hết tháng 2/2020, mới mở được thêm 5 cửa hàng. Ảnh hưởng từ yếu tố khách quan khiến kế hoạch bị gián đoạn, nhưng Công ty vẫn đang tìm kiếm mặt bằng để sẵn sàng “tăng tốc” trong những tháng tới.
“Covid-19 khiến doanh thu của The Coffee House sụt giảm. Chúng tôi cũng đã xây dựng nhiều kịch bản để tính toán, lường trước các rủi ro về chi phí, nhân sự, nguyên liệu để chủ động ứng phó…”, ông Phú nói.
The Coffee House vừa mới tung ra bộ sản phẩm trà cam, cam tươi 100%, đáp ứng đúng nhu cầu tăng kháng thể của khách hàng trong mùa dịch, nên được rất nhiều khách hàng yêu thích. Ông Phú nói, đó chính là ví dụ cụ thể của việc “biến nguy thành cơ”.
Nguồn( baodautu)