Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Phòng trị bệnh viêm phổi ở heo

Đây là một trong những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên heo, xảy ra khá phổ biến ở tất cả các nước, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi. Người nuôi cần nắm rõ về bệnh để có cách phòng chống có hiệu quả.

Nguyên nhân

Bệnh do Actinobacillus pleuropneumoniae (APP) gây ra hay còn gọi là bệnh viêm phổi - màng phổi. Bệnh xảy ra ở heo mọi lứa tuổi, nhưng thường nhiễm ở heo từ 2 - 6 tháng tuổi; đôi khi gây xuất huyết trên heo nái và hậu bị.

Triệu chứng

Thể quá cấp tính: Heo sốt cao (40,5 - 41,50C), uể oải, mệt mỏi. Heo bệnh có một thời gian ngắn bị nôn mửa và tiêu chảy, chảy nhiều nước dãi, nước mũi nhiều bọt, có thể lẫn máu. Heo khó thở, tần số mạch tăng. Da ở vùng mũi, tai, chân và sau đó toàn cơ thể có màu tím xanh. Heo bệnh chết nhanh chóng trong vòng 24 - 36 giờ.

Thể cấp tính: sốt cao (40,5 - 410C), da có nốt đỏ, heo bỏ ăn, lười vận động, lười uống nước. Heo có triệu chứng hô hấp như khó thở, ho, đôi khi phải há mồm ra để thở. Rối loạn nhịp tim và hệ tuần hoàn.

Thể mãn tính: Heo thường không sốt hoặc sốt nhẹ, ho liên tục hoặc ho ngắt quãng. Heo bỏ ăn, khả năng tăng trọng giảm. Khi phải vận động, heo bệnh thường tụt lại phía sau đàn, nếu bắt buộc cũng sẽ cố gắng một cách rất yếu ớt.



Bệnh tích

Phổi thường bị viêm có tính chất đối xứng, gồm thùy tim, thùy đỉnh và một phần thùy hoành. Trường hợp heo chết ở thể quá cấp tính, vùng phổi bị viêm thường có màu đen, cứng, không hoặc ít khi viêm màng phổi có fibrin, bề mặt cắt của phổi nát. Thể cấp tính, bệnh tích đặc trưng là viêm màng phổi có fibrin, xoang bao tim chứa đầy dịch lẫn máu.

Bệnh tiến triển khiến cho các sợi fibrin nhiều có thể bám chắc làm viêm dính màng phổi với thành lồng ngực. Hạch lâm ba bị teo nhỏ, đặc biệt ở thùy hoành. Giai đoạn đầu, biến đổi bệnh tích vi thể chủ yếu là hiện tượng hoại tử, xuất huyết và thâm nhiễm tế bào đa nhân trung tính, đại thực bào và tiểu huyết cầu. Ngoài ra còn thấy hiện tượng nghẽn mạch, phù thũng lan tràn và dịch thủy thũng có nhiều fibrin.

Phòng bệnh

Người nuôi nên chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn bằng cách mua heo ở những cơ sở giống an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc lý lịch rõ ràng, nuôi cách ly và tiêm phòng trước khi nhập đàn. Chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo cách ly với các khu vực khác, phải có hàng rào ngăn không cho súc vật, các loài gặm nhấm và hạn chế côn trùng ra vào trang trại. Đầu chuồng, đầu trại phải có hố sát trùng, tiêu độc.

Toàn bộ công nhân chăn nuôi, nhân viên kỹ thuật, khách tham quan, phương tiện vận chuyển ra vào trang trại phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng và mặc bảo hộ lao động... Định kỳ lấy mẫu xét nghiệm vi khuẩn. Phân, nước tiểu, chất thải trong chăn nuôi phải được thu gom xử lý bằng các phương pháp thích hợp. Kiểm soát tốt các nguồn nguyên vật liệu khi đưa vào trang trại... Chăn nuôi với mật độ hợp lý. Tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa các đàn heo ốm và đàn heo khỏe mạnh vì dù con vật đã trở lại bình thường nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại và là nguồn lây bệnh cho con khác trong đàn. Cần định kỳ tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho heo.

Trị bệnh

Sử dụng enrofloxacin, ceftiofur hoặc tilmicosin để điều trị bệnh. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Để giảm tỷ lệ chết, cần tiến hành điều trị heo bệnh càng sớm càng tốt vì kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị trong giai đoạn đầu của bệnh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blogger Templates