Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Không áp dụng công nghệ 4.0, chăn nuôi sẽ gặp khó

Ứng dụng công nghệ 4.0 hay còn gọi là công nghệ cao, kết hợp chuỗi liên kết “từ sản xuất đến bàn ăn” được cho là giải pháp quan trọng, mang tính quyết định tới sự thành công trong phát triển chăn nuôi thời kỳ hội nhập.

Nâng cao chất lượng, hướng đến xuất khẩu

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 8/2018 ước đạt 46 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 355 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, giá trị nhập khẩu chăn nuôi 7 tháng qua đạt 1,55 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2017, ước giá trị nhập khẩu chăn nuôi tháng 8/2018 đạt 161,67 triệu USD, nâng giá trị nhập khẩu ngành hàng chăn nuôi 8 tháng qua đạt 1,71 tỷ USD, tăng 15,6%.

Chăn nuôi lợn giữ vị trí chủ lực trong ngành, tuy nhiên giá lợn hơi trong nước có xu hướng biến động mạnh trong tháng 8/2018. Giá lợn hơi có thời điểm chạm mốc 57.000 đồng/kg, mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Dự báo, giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao trong một vài tháng tới, và có thể  phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng từ thịt nhập khẩu do ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến ngành thịt lợn Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Do đó, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, cần cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh với thịt nhập khẩu, và nâng cao chất lượng để hướng đến xuất khẩu.

Ngoài ra, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng cho biết, trong tháng 8/2018, ngành chăn nuôi toàn cầu gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ ASF sẽ lan rộng ra khắp đàn lợn tại Trung Quốc, cũng như lan sang các nước khác ở châu Á.

Các nhà phân tích cho rằng, trong ngắn hạn, nông dân sản xuất nhỏ sẽ phải bán tháo đàn lợn, đẩy giá thịt lợn giảm. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần kiểm soát chặt các trường hợp đưa lợn từ Trung Quốc qua biên giới.

Áp dụng công nghệ 4.0 là tất yếu

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nay, giá thành để sản xuất 1kg sản phẩm chăn nuôi của nước ta cao hơn nhiều so với thế giới: chi phí sản xuất 1kg thịt gà ở Ấn Độ là 1,10 USD, Malaysia 1,15 USD, trong khi ở ta là 1,60 USD; giá thịt lợn tại Mỹ rẻ hơn ta 40%… Nguyên nhân là do ta chưa sử dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Giá thức ăn của ta cũng cao hơn thế giới 15-20%, do phần lớn nguyên liệu thức ăn là nhập khẩu.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành chăn nuôi cũng sẽ gặp những rào cản về thuế suất nhập khẩu, các mặt hàng thịt sẽ giảm từ 5% xuống 0%, nên khoảng cách về giá sản xuất sản phẩm trong nước với nhập khẩu ngày càng lớn. Điều này càng đe dọa tới ngành chăn nuôi đang là sinh kế cho 6 – 7 triệu hộ trong 9,58 triệu hộ nông nghiệp (số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 của Tổng cục Thống kê).

Đây vừa là thách thức, vừa cơ hội khiến ngành chăn nuôi phải đẩy mạnh tái cơ cấu và thay đổi cách làm để có khả năng tham gia hội nhập và phát triển bền vững. Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho rằng, phát triển nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đang là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi sẽ góp phần gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững. Cụ thể, theo PGS-TS Nguyễn Văn Đức, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ (Hội Chăn nuôi Việt Nam), ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi được coi là khâu then chốt, đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lên 15-20%, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước với nhập khẩu.

Đã có mô hình

Hùng Nhơn là Tập đoàn chăn nuôi ứng dụng công nghệ 4.0 khá thành công. Tập đoàn này cho rằng, ứng dụng công nghệ tin học giúp cho quản lý doanh nghiệp, kết nối trong doanh nghiệp, trong nhà máy, trang trại khá dễ dàng. Chính sự quản lý dựa trên nền tảng tin học giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ đồng bộ với nhau. Ngoài ra, ứng dụng lập trình vào chăn nuôi giúp thức ăn, nước uống dành cho vật nuôi được sử dụng triệt để, giảm ô nhiễm và dịch bệnh.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao còn giúp Tập đoàn Hùng Nhơn có thể liên kết được với các doanh nghiệp khác, tạo ra một hệ thống liên hoàn “siêu công ty”. Mô hình liên kết xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao này bao gồm: Công ty Bel Gà (cung cấp con giống), Tập đoàn De Heus (cung cấp thức ăn chăn nuôi), Tập đoàn Hùng Nhơn (tổ chức sản xuất chăn nuôi đạt chuẩn), Công ty San Hà và Công ty Koyu & Unitek (chế biến và giết mổ) cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Có thể nói, công nghệ 4.0 đã tăng sự kết nối giữa các công ty và giúp tạo ra sức mạnh liên kết. Nhật Bản là thị trường rất khó tính, nhưng đã phải “ngả mũ” trước liên kết của công nghệ 4.0 Việt Nam, mở cửa thị trường thịt gà cho chuỗi cung ứng này.

Ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, chính việc áp dụng 4.0 sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và tạo ra sức mạnh mới.  “Hiện tại ở Việt Nam, một người làm nông nghiệp chỉ nuôi được 2 - 2,5 người, trong khi ở các nước phát triển, một lao động nông nghiệp nuôi được 100 - 150 người. Năng suất lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1 - 1,5% so với các nước phát triển”, ông Bộ nói.

Theo ông Bộ, mặc dù ứng dụng công nghệ mới sẽ buộc các doanh nghiệp phải tái cấu trúc, tăng thêm đầu tư, song nó mở ra một cuộc cách mạng về nền chăn nuôi thông minh, hiệu quả.

Chăn nuôi trong xu hướng hội nhập

Trong xu hướng hội nhập sâu rộng, ngành chăn nuôi đã đề ra một số chỉ tiêu chính cho năm 2018: Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 3,5 -4% so với năm 2017. Tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng 2,8%, trong đó sản lượng thịt lợn hơi tăng 1%, sản lượng thịt gia cầm tăng 5,3%; sản lượng trứng các loại tăng 9%, sản lượng sữa tăng 11,9%.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho hay, chủ trương của Chính phủ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu  tìm kiếm những sản phẩm có lợi thế không chỉ sản xuất cung ứng trong nước mà quan trọng là hướng đến xuất khẩu. Muốn xuất khẩu thì chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật.

“Đối với các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế như lợn, gia cầm, chúng ta vẫn chưa xuất khẩu nhiều, vì vậy, vừa qua Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt là khuyến khích các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”, ông  Tám nói.

Muốn đạt mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm, ngành chăn nuôi phải tiếp tục chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát; tăng tỷ lệ gia súc được chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp.

Đồng thời, các địa phương cần phối hợp với một số doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất giống thống nhất và triển khai những giải pháp tăng cường hoạt động sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu con giống cho sản xuất, nhất là giống lợn; kiểm soát giá giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ người dân tái đàn gia súc, gia cầm. Cải tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; phát triển giống chất lượng cao; ưu tiên nhập khẩu giống tốt, tạo đàn giống thích hợp cho mỗi vùng sinh thái.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ cung - cầu thị trường thịt lợn trong nước và các nước láng giềng; chỉ đạo sát phương án sản xuất, kinh doanh, nhất là việc đầu tư tăng đàn, bảo đảm đủ nguồn cung sản phẩm cho cuối năm.

Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường mới. Đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản và Hà Lan; đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu thịt lợn, trứng, sữa chính ngạch và ổn định hơn.

Mặt khác, cần tổ chức lại sản xuất nông sản theo chuỗi và gắn với thị trường, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp đầu chuỗi sẽ tiếp cận với thị trường chế biến xuất khẩu. Việc sản xuất sẽ căn cứ vào hợp đồng đã ký với các nhà nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng ế thừa sản phẩm chăn nuôi.

Theo Thanh Tâm/kinhtenongthon.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blogger Templates