Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Không kinh nghiệm liệu kinh doanh nhà hàng có thành công không

Sau đây là những trải nghiệm và chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp về con đường kinh doanh nhà hàng, thực phẩm đầy thử thách cũng như các bài học rút ra dành cho những người đang có ý định kinh doanh trong lĩnh vực này.

Từng làm việc một thời gian dài trong công ty nước ngoài chuyên về nghiên cứu thị trường với mức lương tốt, chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp ở TP HCM vẫn chưa thỏa mãn niềm đam mê khám phá và ước mơ làm chủ nên quyết định nghỉ việc để thử sức mình.

“Ban đầu tôi định kinh doanh thời trang, nhưng nghiên cứu kỹ thì phát hiện thị trường vẫn còn nhiều khó khăn vì kinh tế đang bị chững lại. Cùng lúc tôi lại nhận thấy lĩnh vực ẩm thực tuy cạnh tranh khá gay gắt, vẫn là phân khúc màu mỡ để kinh doanh nên quyết định bắt đầu với nó”, chị Diệp kể.

Thay vì kinh doanh các nhóm ẩm thực Hà Nội hay Huế vốn đang thịnh hành ở TP HCM, chị chọn một ngã rẽ khác đang bỏ ngỏ là thực phẩm Nha Trang, đặc biệt là hải sản, khá ngon và có nguồn cung cấp ổn định.

Là người có tính cầu thị và kỹ càng trong công việc, trước khi bắt tay vào mở nhà hàng, chị Diệp bỏ ra vài tháng để đi học về ẩm thực, sau đó ra tận Nha Trang tìm hiểu. Sau khi gắn kết được các đầu mối về nguyên liệu, đầu bếp, chị bắt tay vào việc tìm mặt bằng để kinh doanh.

Nhà hàng nhỏ đầu tiên lấy tên Khoái được mở vào năm 2011 trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) có vốn đầu tư 800 triệu đồng. Chỉ sau vài tháng, lượng khách đến quán luôn rất đông, đặc biệt là buổi trưa, số lượng dao động trong khoảng 80-100 khách.

Thấy mô hình có tiềm năng phát triển, sau một năm kinh doanh chị Diệp bắt tay vào mở nhà hàng thứ 2 ở đường Lê Quý Đôn (quận 3) với số vốn gần 3 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuê mặt bằng một năm chiếm 1/3 vốn đầu tư, số còn lại dùng để trả tiền cho nhân viên và nguyên liệu, đầu tư trang thiết bị. Ngoài ra, chị còn thuê thêm đội ngũ nhân viên ở Nha Trang đi gom thực phẩm tươi để vận chuyển vào TP HCM.

Cứ ngỡ mô hình kinh doanh sẽ thuận lợi như thời kỳ đầu, nhưng nhà hàng thứ hai này gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc mất tới 8 tháng mới tìm được mặt bằng phù hợp, thời gian đầu quán không được nhiều khách biết đến, chị Diệp đã phải chịu lỗ và có lúc không còn tiền để trả lương nhân viên. Sau khi suy tính, thay vì nợ tiền nhân viên, chị đã xin nợ lại nhà cung cấp nguyên liệu để có tiền chi trả.

“Thời kỳ này tôi thật sự khủng hoảng, nhiều lúc đi với bạn bè thấy tin nhắn điện thoại của họ báo có lương tháng, lại cảm thấy tủi thân và nhiều lúc muốn quay trở lại công việc làm công ăn lương. Nhưng rồi tôi suy nghĩ, thất bại một chút mà từ bỏ đam mê thì không đáng”, chị Diệp bộc bạch.

Tìm mọi cách, cuối cùng chị Diệp quyết định chọn tiếp thị khách hàng thông qua chiến lược truyền thông lan truyền. Chị bắt đầu tham gia vào mạng xã hội như facebook, blogger để chia sẻ thông tin và đưa ra hình thức ưu đãi riêng cho đối tượng này. Đồng thời trở thành hội viên các câu lạc bộ doanh nhân, đội nhóm để học hỏi cũng như kết giao với mọi người. Từ đó, đưa ra từng ưu đãi riêng cho mỗi nhóm khách hàng.

Ngoài ra, để tạo không gian mới mẻ và thoải mái cho khách, chị Diệp thiết kế không gian nhà hàng theo mùa. Mùa xuân trang trí nhiều hoa lá, mùa thu có thêm những cành cây khô, mùa hè chuyển không gian theo biển với những trái dứa và thuyền thúng đưa từ Nha Trang vào Sài Gòn.

Với cách làm mới này, lượng khách của chị Diệp đã tăng mạnh từ 20 lên đến gần 200 khách một ngày và đến nay luôn duy trì ở mức ổn định 6.000-7.000 khách một tháng. Giá các món ăn dao động 100.000-350.000 đồng, với hơn 100 món biến tấu từ thực phẩm Nha Trang.

Chị Diệp cho biết, sau 2 năm hoạt động và đã bắt đầu hòa vốn, chị quyết định kinh doanh thêm cửa hàng thực phẩm tươi sống. Cũng với cách xây dựng khách hàng thông qua mạng xã hội, mỗi tháng cửa hàng của chị cung cấp cho khoảng 2.000 đơn hàng từ các nhà hàng, quán ăn và hộ gia đình.

Đúc kết lại kinh nghiệm kinh doanh, chị Diệp chia sẻ, để mô hình hoạt động hiệu quả, ngoài những yếu tố then chốt như mặt bằng tốt, món ăn độc đáo thì cần biết cách kết nối khách hàng.

Riêng về cách quản trị, để có thể quản lý được cả 3 hệ thống cùng một lúc, chị Diệp luôn tuân thủ phương châm “chậm mà chắc”, sử dụng đúng người đúng thời điểm. Cụ thể, chị xác định thế mạnh riêng của từng người và giao quyền cho họ, nhưng không quá buông lỏng, mà hướng theo một quy trình hoạt động hợp lý. Để khi kiểm tra, đánh giá hiệu quả chỉ cần rà soát các quy trình đó.

Nguồn:  (ST)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blogger Templates