(GLO)- Dịch tả heo châu Phi thực sự là một tai họa đối với đàn heo cả nước, gây thiệt hại không thể tính hết cho người chăn nuôi, dù là nuôi trang trại với số lượng lớn hay nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình. Vì thế, tâm lý e ngại ngay cả khi đã công bố hết dịch của những người nuôi heo là chuyện dĩ nhiên. Không ai bảo đảm dịch bệnh lại không tái phát nên cách phòng-chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại ngay khi đã công bố hết dịch và chưa vội tái đàn là hết sức cần thiết.
Sau khi một số địa phương ở Gia Lai công bố hết dịch tả heo châu Phi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã gửi văn bản hướng dẫn về việc tái đàn. Theo đó, người dân chỉ tái đàn sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo hoặc sản phẩm heo bị nhiễm bệnh và thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định. Chuồng nuôi cần được đặt ở vị trí cao ráo, thoáng mát và thực hiện nuôi nhốt, không thả rông và phải tách biệt với khu sinh hoạt của gia đình cũng như khu dân cư xung quanh.
Sự thận trọng khi tái đàn nhằm tránh cho người chăn nuôi chịu những thiệt hại nếu dịch bệnh tái phát là đúng. Nhưng như thế không có nghĩa việc tái đàn không thực hiện khi dịch đã hết. Sinh kế buộc người nuôi heo phải tái đàn. Vậy thì phương cách nào giúp họ có thể bảo vệ đàn heo của mình tránh được dịch bệnh?
Việc nuôi heo theo hướng an toàn sinh học là một hướng đi đúng đắn, không chỉ do đã xảy ra dịch tả heo châu Phi mà đây là hướng chăn nuôi sạch bảo đảm chất lượng thịt heo đạt chuẩn VietGAP, tiến tới đạt chuẩn organic. Thịt heo nuôi theo hướng này không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu được ra thị trường thế giới.
Cả nước hiện chỉ có khoảng 10% số lượng heo được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, một tỷ lệ còn rất thấp. Nuôi heo theo hướng an toàn sinh học là cách chăn nuôi bền vững, dù không xảy ra dịch bệnh trên diện rộng thì vẫn cần được phát triển, mục đích là để sản phẩm thịt heo Việt Nam được công nhận và tiêu thụ trên thị trường quốc tế. Lâu nay, Trung Quốc được coi là “thị trường dễ tính” với thịt heo Việt Nam xuất sang, nhưng nay thì đã khác. Mặc dù Trung Quốc chính là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất từ dịch tả heo châu Phi và hiện vẫn chưa thật sự qua khỏi dịch bệnh này nhưng họ đã đặt ra hàng rào kỹ thuật để kiểm định chặt chẽ chất lượng heo Việt Nam xuất sang. Với những thị trường khác thì tình hình còn nghiêm ngặt hơn. Và tại sao chúng ta chỉ nghĩ nuôi heo sạch theo hướng an toàn sinh học để xuất khẩu mà không nghĩ là để bán trong chính thị trường nội địa, một thị trường lớn với hơn 90 triệu dân?
Tết này, giá thịt heo trên thị trường sẽ tăng, trong khi việc tái đàn hiện còn rất ngập ngừng. Vì vậy, những nơi có đủ điều kiện tái đàn thì nên nuôi heo theo hướng an toàn sinh học để sản phẩm thịt heo đạt chuẩn sạch. Điều đó không chỉ giúp cho chính người chăn nuôi giữ được đàn heo của mình, giảm nguy cơ bị dịch bệnh mà còn tạo thương hiệu cho sản phẩm thịt heo của mình khi bán ra thị trường.
Bởi quy trình nuôi heo theo hướng an toàn sinh học đòi hỏi phải vệ sinh chuồng trại đúng chuẩn, dùng các chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường sinh sống an toàn cho heo và có những giải pháp hữu hiệu để xử lý chất thải ra môi trường. Chính cách nuôi heo không quan tâm tới môi trường, xả thải bừa bãi đã khiến dịch bệnh có điều kiện xâm nhập nhanh vào đàn heo và dễ lây lan. Còn nếu nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, nuôi heo đúng khoa học và đúng theo chỉ dẫn của các ngành chức năng thì không những đàn heo được sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát mà người chăn nuôi cùng cộng đồng cũng được sống trong môi trường không bị ô nhiễm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét